Thiệt hại :
Chuột hại lúa là dịch hại quan trọng ở Châu Á. Tại Thái Lan, thiệt hại do chuột trong năm 1989 ước tính trên 400 triệu đô la. Ở Indonesia vào năm 1987 thiệt hại do chuột ước tính tương đương 17% sản lượng lúa của nước nầy, tức khoảng 8 triệu tấn lúa. Ở nhiều nuớc trồng lúa trong khu vực như Philippines, Malaysia, Kampuchea…hàng năm thiệt hại do chuột ước tính khoảng vài chục triệu đô la. Ở miền Nam, vào năm1996, diện tích chuột gây hại ước khoảng 100.000 ha.
Đặc tính sinh học :
Ở Việt Nam, theo điều tra có tới 43 loài chuột khác nhau, trong đó đa số là chuột sống ở rừng (30 loài), còn lại sống ở đồng ruộng (10 – 12 loài) và chuột nhà (4 loài). Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã phát hiện 13 loài chuột hại lúa. Trái với sự lầm tưởng của nhiều người, chuột có mắt không tốt lắm, không nhìn thấy xa, không phân biệt được màu sắc, bù lại chuột có khả năng cảm nhận mùi, vị thức ăn rất tốt. Chuột có trí nhớ không tốt lắm, nhưng lại rất thính tai, do đó khi nghe tiếng động, dù rất nhỏ, chuột có phản xạ ngay lập tức. Chuột rất nhanh nhẹn, leo trèo, đào đất nhanh, bơi lội dễ dàng, chủ yếu phá hại về đêm. Đặc trưng cơ bản của chuột là không có răng nanh, nhưng có răng cửa rất mạnh và có khuynh hướng mọc dài do đó chuột phải cắn phá liên tục để mài răng nhất là chuột nhắc. Chuột thường bò men theo bờ, di chuyển trên đường mòn quen thuộc. Chuột có tính đa nghi, hay nghi ngờ chổ lạ, thức ăn lạ. Điều quan trọng là chuột bao giờ cũng nếm thử thức ăn trước khi ăn nhiều, do vậy khi tổ chức đáng bã, cần cho chuột ăn mồi không có thuốc độc trước 3 – 5 ngày, rồi sau đó mới trộn thuốc vào bã. Nếu từ đầu đã đặt thuốc, chuột chỉ nếm thử, không ăn tiếp, ta gọi là “Nhát bã”. Chuột thường sống trong hang, dưới đất, nhất là ở bờ ruộng lúa. Khi lúa chín, chuột rời hang, vào sống trong ruộng, nhiều khi làm tổ trên cây lúa. Vì vậy, thiệt hại thuờng ở giữa ruộng, chứ không phải gần bờ. Chuột không thích nước, do đó, năm nào hạn nặng, năm đó chuột nhiều. Giống như đa số loài vật, chuột không có khả năng đi lùi, do đó, trong hang, chuột đào nhiều ngóc, ngách để di chuyển. Trong hang chuột, chuột sống thành tập đoàn, có trường hợp, chỉ trong một hang, có đến hơn 60 con chuột, hang có nhiều cửa, trong đó có những cửa bí mật để chạy thoát. So với chuột cống, chuột đồng đào hang có viên bé hơn nên dễ nhận biết. Cân lưu ý khi chuột chưa thành thục sinh lý (chưa trưởng thành), khó phân biệt chuột đực, chuột cái bằng mắt. Người ta thường thấy trên một cánh đồng, khi mật số chuột quá cao, một thời gian sau, mật số tự nhiên của chúng giảm xuống. Sự sụt giảm nầy có nhiều nguyên nhân như thiếu thức ăn, bệnh tật hoặc do quá đông đúc, chật chội…khiến chuột phải di cư sang nơi khác, người ta gọi đây là hiện tượng di cư như nhiều người thấy cả đàn chuột bơi qua sông để đến địa bàn khác. Ngoài ra, người ta còn thấy cứ sau một đợt diệt chuột, chuột có khuynh hướng cắn phá nhiều hơn, sinh sản nhiều hơn để tái lập quần thể. Nông dân lầm tưởng gọi là chuột trả thù, thật ra chuột cũng chỉ là một động vật bình thường không quá gian ngoa như nhiều người lầm tưởng. Ở miền Nam, vào cuối mùa khô, lượng chuột có khuynh hướng tăng lên, đến mùa mưa, chuột giảm mật số vì chuột con không có khả năng ra ngoài kiếm ăn. Nhìn chung, thời gian sống của chuột trung bình kéo dài khoảng 1 năm, trong đó chuột cái sống lâu hơn chuột đực.
Thức ăn :
Người ta tính trung bình cứ mỗi ngày chuột ăn hại tới 60gam lúa, tuy vậy chuột là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu là thực vật xanh, ngoài ra chuột còn ăn cả cá con, ốc sên, ốc bươu vàng, cua…đặc biệt nếu thiếu thức ăn xanh, tỷ lệ chuột cái đẻ sẽ giảm. Nếu thiếu chất bột, chuột cái sẽ không đẻ. Chính vì lý do nầy góp phần giải thích tại sao vào giai đọan lúa trổ – chín, tỷ lệ chuột cái có chửa rất cao. Thức ăn ngoài việc cung cấp nguồn dinh dưỡng cho chuột, còn quyết định đến mật số của chuột, nếu nguồn thức ăn giảm, chuột sẽ đẻ ít bên cạnh đó còn xảy ra hiện tượng di cư như đã nói trên. Nghiên cứu cho thấy vào tháng 10 – 1, chuột từ Việt Nam sẽ di cư sang Kampuchea để tránh lũ và tìm nguồn thức ăn. Đến tháng 2 –3 , chuột lại di cư từ Kampuchea trở về Việt Nam do phía Kampuchea lúa vừa gặt xong, đốt đồng, trong khi bên Việt Nam, lúa Đông – Xuân đang ở giai đoạn trổ, chín.
Sinh sản :
Chuột do kích thước nhỏ, đẻ con non, nên dễ bị các yếu tố bên ngoài gây hại, bù lại chúng sẽ đẻ nhiều để duy trì nòi giống. Thời gian thành thục của chuột khá sớm, sau khi đẻ xong, khoảng 1 0 2 tháng sau, chuột sẽ bắt cặp trở lại để đẻ tiếp lứa mới. Trong suốt cuộc đời, chuột đẻ nhiều lứa, trung bình một năm, chuột đẻ 3 – 4 lứa, nếu thức ăn dồi dào, chuột có thể đẻ 5 – 6 lứa và ngược lại. Mỗi lứa trung bình có 5 – 12 con. Chuột con mới đẻ chưa mở mắt, chưa có lông, tự tìm vú mẹ để bú, khoảng 1 –2 tuần sau sẽ mở mắt, bắt đầu tự kiếm ăn. Tính toán lý thuyết, một cặp chuột trong 1 năm có thể sinh sản ra hàng ngàn cặp chuột. Như đã nói trên, tỷ lệ chuột cái có chửa rất cao vào giai đoạn đòng – trổ và trong khi mang thai, sinh sản, chuột mẹ không ra ngoài kiếm ăn khoảng 10 – 15 ngày, do đó, nếu trong thời gian nầy ta đặt bả, hiệu quả sẽ kém, ngược lại nếu xông hơi giết chuột thì hiệu quả sẽ cao. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong vụ Đông – Xuân, mật số chuột ở đầu vụ (tháng 11 – 12) thấp, sau tăng dần đến cuối vụ (Tháng 2 – 3), trùng vào giai đoạn lúa trổ – chín. Ở vụ Hè – Thu, mật số chuột cao vào ngay đầu vụ, đạt đỉnh vào tháng 5 (lúa giai đoạn đòng), sau đó giảm dần. Còn nếu ở chân ruộng cao, không bị ảnh hưởng lũ, chuột bắt đầu phát sinh vào tháng 6, đạt đỉnh cao nhất vào tháng 10 – 11, sau giảm dần về cuối vụ. Tỷ lệ chuột đực, cái cũng khác nhau tùy theo thời gian trong năm. Thông thường, cuối vụ lúa, tỷ lệ chuột cái ngoài ruộng thấp, nhưng trong hang lại cao vì giai đoạn nầy chuột cái đang đẻ và nuôi con. Vào giai đoạn lụt, tỷ lệ chuột cái giảm.
Phá hại :
Chuột chủ yếu hoạt động và gây hại vào ban đêm. Trên ruộng, chuột phá hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, nhưng hại nặng nhất vào giai đoạn đòng – trổ, lúc nầy chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang lúa, ăn hạt. Trong nhiều trường hợp, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn. Ở giai đoạn hình thành đòng, chuột cắn thủng bẹ, ăn đòng. Khi lúa sắp chín, chuột vít dảnh lúa xuống để ăn hạt, dảnh bị hại thường bị cắn đứt, chỉ còn một phần nhỏ dính vào thân. Nếu bị hại sớm, lúa có thể phục hồi, tạo ra dảnh mới, nhưng khi chín sẽ không đều. Nếu bị hại muộn, lúa không phục hồi được, không cho năng suất.
Thiên địch :
Chuột có nhiều thiên địch như rắn, trăn, chim săn chuột, mèo, chó, bệnh hại … Quan sát một tổ chim cú, người ta thấy trong vòng 4 tháng, chim bắt được 128 con chuột. Một con chim cắt bắt 12 con chuột trong một ngày. Tuy nhiên, kẻ thù đáng sợ nhất của chuột là rắn. Cuối cùng có lẻ thiên địch quan trọng nhất của chuột chính là con người.
Thiên địch của chuột hình thành một mắt xích tự nhiên trong hệ sinh thái đồng ruộng, do đó nếu mắt xích nầy bị cắt đứt do săn bắt, giết hại quá nhiều, sự cân bằng vốn đã mỏng manh, nay không còn duy trì nữa, quần thể chuột, tất nhiên, sẽ bộc phát thành dịch hại nghiêm trọng.
Phòng – Trừ :
Điều cần quan tâm trước tiên trong công tác diệt chuột là cần tiến hành diệt chuột sớm ngay từ đầu vụ, cần làm đồng loạt, liên tục và đều khắp. Cần có sự tham gia của toàn cộng đồng bao gồm chánh quyền và mọi nông dân.
Phòng :
Cần làm sớm từ đầu vụ. Nếu trong vụ trước, chuột đã gây hại lớn trên diện rộng, thì ngay cuối vụ, cần hoạch định ngay kế hoạch trừ chuột cho vụ sau. Để đề phòng cần chú ý:
1. Thời vụ : Cần xác định thời vụ thích hợp. Nên gieo trồng và thu hoạch đồng loạt.
2. Cơ cấu cây trồng : Không nên trồng quá nhiều loại cây trồng trên đồng hay trồng giống lúa quá ngắn ngày tạo điều kiện có nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú an toàn cho chuột.
3. Vệ sinh đồng ruộng : Cần phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, không để ruộng hoang hóa. Tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ. Bờ ruộng không nên làm lớn. Sau thu hoạch, nếu có thể, dọn sạch rơm rạ, đốt đồng để hạn chế nơi cư trú của chuột.
4. Bảo vệ thiên địch của chuột. Điều nầy có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển một nên nông nghiệp bền vững dựa trên sự cân bằng các yếu tố sinh thái.
5. Pháp chế : Cần có những qui định về mặt pháp chế đối với những ruộng để hoang hóa.
Trị :
1. Bẫy cây trồng : Bẫy cây trồng được áp dụng dựa trên đặc điểm sinh học của chuột như khoảng cách di chuyển tìm thức ăn, khả năng khứu giác nhạy bén, tập tính không đi lùi và tìm chổ chui khi có vật cản.
Cách tiến hành như sau : Trên mỗi cánh đồng khoảng 100 ha, chọn 4 – 6 mảnh ruộng, mỗi mảnh rộng 1.000 m2. Trên đó trồng lúa thơm để hấp dẫn chuột. Nên sạ sớm 15 – 20 ngày trước khi sạ đại trà trên đồng, ruộng bẫy được rào nylon quanh ruộng, trong ruộng đặt 4 – 8 lồng để bắt chuột. Do khả năng tự tìm thức ăn, chuột sẽ tìm đến ruộng bẫy và chui vào lồng. Cần thăm đồng thường xuyên để nhặt chuột, rắn… chui vào lồng và tu sửa khi cần thiết.
2. Dùng nước để hạn chế và giết chuột : Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn đòng – trổ để hạn chế chuột làm tổ ven bờ. Lợi dụng nước lớn, gom chuột lên chỗ cao rồi tổ chức săn bắt.
3. Tổ chức săn đuổi : bằng nhiều biện pháp như đào hang, đổ nước, đánh bẩy, xông khói, dùng chó săn, bắt hay dùng máy cày quần bắt chuột. Nếu tổ chức đào hang bắt chuột, thời điểm đạt hiệu quả cao nhất là lúa ở giai đọng đòng – trổ (Chuột cái vào hang sinh sản). Biện pháp xông hơi trừ chuột bằng đất đèn (khí đá), lưu huỳnh, đốt rơm trộn ớt khô, xông khói lưu huỳnh cũng khá hiệu quả, lại rẻ tiền, không gây ô nhiễm…Gần đây trên thị trường có bán viên thuốc Xì gà diệt chuột của Công Ty Thuốc Trừ Sâu Sàigòn rất tiện dụng và hiệu quả. Chỉ cần tìm hang có chuột, bịt các ngóc ngách, rồi đốt một viên xì gà bỏ vào hang, thuốc bốc khói có lưu huỳnh xông vào hang khiến chuột bị ngạt thở rồi chết. Bằng cách nầy sẽ diệt được cả hang chuột, không gây ô nhiễm lại rất dễ thao tác.
4. Đánh bã : Mỗi công ruộng 1.000 m2, đặt 15 – 20 máng bã, máng được đặt dưới bờ ruộng, xa bờ khoảng 1 mét, cứ cách 10 mét ta đặt một máng. Mồi có thể là gạo tấm, cùi dừa, khoai mì thêm ít dầu thực vật, nhất là mồi làm từ lúa mộng và sáp trộn thức ăn gia súc.… Để tránh hiện tượng nhát bã, cần đặt bã mồi không có thuốc liên tiếp 3 – 5 ngày, sau đó vài ngày, thêm thuốc diệt chuột Zincphos 20% vào theo liều khuyến cáo. Cần làm liên tiếp vài ngày, rồi thu hết bã độc, mang đi tiêu hủy. Cần lưu ý, biện pháp đánh bã tuy hiệu quả nhưng rất nguy hiểm cho thú vật nuôi và chính con người, lại gây ô nhiễm môi trường.
5. Bắt chuột dùng làm thực phẩm: Đây là biện pháp trừ chuột rất hiệu quả lại có ý nghĩa kinh tế quan trọng, cải thiện thu nhập đáng kể. Thịt chuột rất ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn đạm bổ sung quí giá cho khu vực nông thôn có thu nhập thấp. Nên, hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người bắt chuột để bán cho các thương lái, giá trung bình khoảng 15.000 – 20.000 đồng một ký. Có trường hợp dân Kampuchea mang chuột qua biên giới để bán. Ở nhiều quán ăn ở Sàigòn thịt chuột là món ăn đặc sản, khoái khẩu, được nhiều người ưa chuộng.
6. Phát huy kinh nghiệm của nông dân :Nhiều nông dân có kinh nghiệm trừ chuột rất hay như trộn hạt bã đậu vào thức ăn chuột, rải dầu nhớt có trộn thuốc trên đường đi của chuột, dùng âm thanh bắt chuột…Các kinh nghiệm nầy cần được tổng kết, đánh giá và phát huy để góp phần vào phong trào trừ chuột. Cần lưu ý hiện nay ở nhiều địa phương, nhiều nông dân dùng điện bắt chuột, đây là biện pháp tuy hiệu quả nhưng rất nguy hiểm, bên cạnh việc giết vài con chuột mà phải trả giá bằng sinh mạng của con người là điều không ai chấp nhận và phải được nghiêm cấm.
Sau cùng, phòng trừ chuột là một vấn đề lâu dài, không thể sớm chiều mang lại kết quả ngay và rồi chấm dứt chiến dịch. Điều có ý nghĩa quyết định, cần phải quảng bá đến mọi người là ý thức duy trì và bảo vệ hệ sinh thái, trong đó chính con người là một thành viên sống cộng sinh và tồn tại cùng bao sinh vật khác và chính điều nầy có ý nghĩa hơn là việc giết vài con chuột.